Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 06/03/2024

Giải cứu voi rừng Tây Nguyên

Chấm dứt cưỡi, chuyển sang mô hình du lịch thân thiện, giải cứu voi thả về rừng là các giải pháp tỉnh Đăk Lăk thực hiện nhằm bảo tồn đàn voi ngày càng suy giảm.

Dưới tán rừng khộp (Vườn Quốc gia Yôk Đôn) ngày cuối năm, voi Khăm Phanh, 44 tuổi, sau khi tắm bùn xong, chậm rãi tiến sâu vào rừng kiếm ăn cùng một voi khác. Đây là một trong 6 con voi được Trung tâm bảo tồn giải cứu sau thời gian dài bị khai thác du lịch.

  
Voi Khăm Phanh sau hơn một năm trở về với rừng già. Ảnh: Trần Hóa
Voi Khăm Phanh được gia đình ông Y Gưh Trey (tên thường gọi là Ma Thanh) ở huyện Lăk nuôi. Năm 2006, khi dịch vụ cưỡi voi nở rộ, ông Thanh cho công ty du lịch ở thị trấn Liên Sơn thuê với giá 5 triệu đồng một tháng. "Đó là bản hợp đồng sai lầm nhất của tôi", ông Ma Thanh nói và mô tả cách người ta "ngược đãi" con voi của mình suốt 5 năm.

Cứ sáng sớm, họ đưa Khăm Phanh cùng nhiều con voi khác xích chân trong du lịch buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, để phục vụ khách. Khi du khách có nhu cầu, nài voi sẽ chở họ (thường hai người) ra giữa hồ Lăk để trải nghiệm và chụp hình. Con nào có vẻ mệt mỏi, không di chuyển bị nài dùng gậy đánh liên tục. Việc phải phục vụ nhiều khách du lịch khiến nhiều voi kiệt sức.

Ông Ma Thanh nhiều lần lên thăm, thấy voi chảy nước mắt (biểu hiện tâm trạng buồn) song không thể làm gì hơn. Đến khi hợp đồng kết thúc, ông dẫn voi về nhà, thỉnh thoảng chở lúa, mì và các thành viên gia đình. Những năm gần đây, rừng bị thu hẹp, nguồn thức ăn khan hiếm, ông đưa voi vào xích trong rừng (cách nhà 10 km), mỗi tuần mới có điều kiện lên thăm nó một lần. Ngoài sự thiếu thốn về điều kiện chăm sóc, Khăm Phanh nguy cơ bị đe doạ bởi thợ săn.

Đăk Lăk từng là địa bàn ghi nhận nhiều voi nhất cả nước. Giai đoạn 1980-1990, số lượng voi nhà ở tỉnh trên 500 con, nhưng sau hơn 30 năm số lượng voi hao hụt dần, nay chỉ còn 37 con. Ông Huỳnh Trung Luân, nguyên giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk, nhận định số lượng voi ở tỉnh giảm "đáng báo động" do tác động con người, môi trường sống bị thu hẹp, nguồn thức ăn bị nhiễm độc, đặc biệt voi bị "bóc lột" làm du lịch...

  
Voi chở hai du khách trải nghiệm trên sông Sêrêpôk, tháng 11/2022. Ảnh: Trần Hoá
Để cứu vãn tình thế, năm 2016, khu bảo tồn đã phối hợp nài voi ở Buôn Đôn và huyện Lăk tạo không gian để voi "yêu" nhau, thường xuyên theo dõi, lấy máu xét nghiệm những con mang thai. Ngoài ra, tỉnh còn có chủ trương hỗ trợ 650 triệu đồng cho chủ có voi sinh sản thành công, song cuối cùng đều thất bại. Voi con đều chết lưu trong bụng trước khi ra đời.

Nỗ lực bảo tồn đàn voi nhà ở Đăk Lăk chỉ thực sự hiệu quả khi năm 2018, Vườn Quốc gia Yôk Đôn hợp tác với Tổ chức động vật châu Á (Animals Asia Foundation - AAF) nhằm chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi. Theo thỏa thuận này, AAF tài trợ 65.000 USD để voi được chăm sóc ở vườn, không tham gia các hoạt động phục vụ du khách, lễ hội hay sự kiện cộng đồng ảnh hưởng sức khoẻ. Loài động vật này không bị xích, còng hai chân trước vào ban đêm, hàng ngày được tự do đi lại trong khu vực quốc gia...

Sau bốn năm hợp tác với AAF, 6 con voi nhà được giải cứu, thả vào Vườn Quốc gia Yôk Đôn rộng 170.000 ha cùng 80 voi hoang dã. Chú voi Khăm Phanh sau nhiều năm bị nuôi xích đã được ông Ma Thanh giao cho Vườn Quốc gia Yôk Đôn vào tháng 11/2021 để thả vào rừng già, sống gần đồng loại. Chủ voi được hỗ trợ một tỷ đồng công chăm sóc, giúp chuyển đổi nghề nghiệp sau khi từ giã nghề nài voi.

Ông Ma Thanh kể, hôm rồi lên thăm, thấy vui khi nhìn Khăm Phanh khoẻ mạnh, tự do tung tăng trong cánh rừng rộng lớn tìm thức ăn cùng bạn tình. "Hơn một năm gặp lại nó vẫn nhận ra tôi, cứ dùng vòi ngửi từ đầu đến chân, tai nó vẫy liên tục thể hiện sự vui mừng", ông Thanh nói và mong muốn cả cộng đồng cùng chung tay bảo tồn voi. Nếu không chỉ thời gian ngắn nữa hình ảnh đàn voi vốn thân thuộc với người Tây Nguyên chỉ còn trong tiềm thức.

  
Hai con voi bị xích trong khu du lịch Buôn Đôn dưới trời mưa. Ảnh: Trần Hoá
Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đăk Lăk Trần Xuân Phước cho biết kế hoạch trước mắt dự án sẽ giải cứu những voi nhà bị ngược đãi, xuống sức, đưa về trung tâm chăm sóc y tế đặc biệt. Sau khi hồi phục sức khỏe, voi sẽ được thả vào rừng tự do kiếm ăn giúp cải thiện thể trạng, sống lâu hơn, tăng khả năng sinh sản, tránh nguy cơ tuyệt chủng và tránh xung đột với con người.

"Dự kiến năm sau sẽ thử nghiệm ghép đôi cho 3 con voi cái", ông Phước nói và thông tin AAF tiếp tục tài trợ 2,43 triệu USD (khoảng 55 tỷ đồng) để trung tâm bảo tồn thực hiện trên quy mô rộng. Ngoài ra, tỉnh Đăk Lăk chuẩn bị các bãi chăn thả để voi về lại với rừng "tìm kiếm thức ăn, không gian yêu". Các điểm du lịch ở tỉnh lựa chọn những dịch vụ thân thiện, gắn liền loài động vật này như tắm, chụp hình, cho voi ăn... Sau khi đồng ý thả voi về rừng, chủ voi được hỗ trợ ít nhất 700 triệu đồng để chuyển đổi công việc phù hợp.

Nguồn Tin:
In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang